Tạm giam là một trong những biện pháp nghiêm khắc được áp dụng đối với người phạm tội trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Một trong những vấn đề cần lưu ý khi tạm giam là thời hạn tạm giam. Thời hạn tạm giam bị can, bị cáo được quy định dựa trên những căn cứ khác nhau, phụ thuộc vào từng giai đoạn tố tụng để đảm bảo cho cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung về thời hạn tạm giam so với Bộ luật tố tụng hình sự 2003, cụ thể là rút ngắn thời hạn tạm giam để điều tra đối với các loại tội phạm.

Thời hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
Thời hạn tạm giam theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự phụ thuộc vào từng loại tội. Cụ thể như sau:
Khoản 1, 2 Điều 120 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về thời hạn tạm giam như sau:
“1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 01 lần không quá 01 tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 02 lần, lần thứ nhất không quá 02 tháng và lần thứ hai không quá 01 tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 02 lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng, lần thứ hai không quá 02 tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 03 lần, mỗi lần không quá 04 tháng.”
Khoản 1, 2 Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn tạm giam như sau:
“1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.”
Như vậy,
- Thời hạn tạm giam tối đa theo Bộ luật tố tụng hình sự 2003 đối với tội phạm ít nghiêm trọng là 3 tháng, đối với tội phạm nghiêm trọng là 6 tháng, đối với tội phạm rất nghiêm trọng là 9 tháng, và đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là 16 tháng.
- Thời hạn tạm giam tối đa theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đối với tội phạm ít nghiêm trọng là 3 tháng, đối với tội phạm nghiêm trọng là 5 tháng, đối với tội phạm rất nghiêm trọng là 7 tháng, và đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là 12 tháng.
Có thể thấy không chỉ thời hạn tạm giam mà cả số lần gia hạn đều được rút ngắn đi theo bộ luật tố tụng hình sự mới. Điều đó thể hiện quan điểm của Nhà nước ta, thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013, tăng cường trách nhiệm đồng thời hạn chế việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc tạm giữ, tạm giam của các cơ quan tiến hành tố tụng, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Tuy đây là một sự sửa đổi tích cực, và mặc dù pháp luật nghiêm cấm việc tạm giữ, tạm giam người quá hạn, nhưng trên thực tế những năm qua vẫn tồn tại nhiều vụ việc tạm giữ, tạm giam quá thời hạn trong các quyết định tố tụng. Cụ thể, với rất nhiều vụ án nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng liên tục bị hủy, bị trả lại điều tra hay xét xử kéo dài thì dường như quy định về thời hạn tạm giam trong bộ luật tố tụng dân sự 2003 hay 2015 không còn ý nghĩa. Vì vậy, pháp luật cần nhanh chóng bổ sung thêm những quy định, không chỉ về thời hạn tạm giam, mà còn cả về thời hạn xét xử, điều tra,…để từ đó đảm bảo việc tạm giam diễn ra một cách chặt chẽ và đảm bảo quyền lợi của người công dân.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Hãy liên ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí
Phòng Tư Vấn Pháp Luật - VP Luật Newvision Law
Địa chỉ: Ngõ 6 - Phạm văn Đồng, Q.Cầu Giấy, TP. Hà Nội .
Điện thoại: 04.6682.7986 / 6682.8986
Email: hanoi@newvisionlaw.com.vn
Hỗ Trợ 24/7 : Skype : nguyendat235 & yahoo : luatsutraloi1
Hotline: 0985 928 544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn