Theo thông tư liên tịch số số 01/2016/TTLT/TANDTC -VKSNDTC-BTP giữa Tòa Án Nhân Dân Tối cao, Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối cao và Bộ Tư pháp có hiệu lực từ ngày 01/03/2016 Khi chia tài sản ly hôn, nếu người chồng/vợ ngoại tình, thẩm phán sẽ phải xem xét yếu tố "lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng"nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người chồng/vợ.
Trong đời sống gia đình hiện nay, chuyện ngoại tình của vợ/chồng không phải là chuyên hiếm gặp khiến cho cuộc sống gia đình khó khăn, rơi vào bế tắc.Theo khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Khi một bên yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được (khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014). Do đó, nếu có chứng cứ về việc người vợ/chồng ngoại tình, không chung thủy thì Tòa án sẽ chấp nhận yêu cầu ly hôn của chồng/vợ.

Người ngoại tình bị bất lợi khi chia tài sản ly hôn
Thông tư liên tịch (TTLT) số 01/2016/TTLT/TANDTC -VKSNDTC-BTP giữa Tòa Án Nhân Dân Tối cao, Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối cao và Bộ Tư pháp có hiệu lực từ ngày 01/03/2016 tại khoản 1 Điều 7 về “nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn” quy định: vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản.
Khoản 2 Điều 59 Luật hôn nhân và Gia đình năm 2014; Khoản 4 Điều 7 TTLT số 01/2016, Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia:
- Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận lại tài sản để đảm bảo duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.
- "Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung"là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.
- Việc chia tài sản chung của vợ chồng phải đảm bảo cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng, con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự. Ví dụ: Vợ chồng có tài sản chung là một chiếc ôtô trị giá 500 triệu đồng do người chồng đang kinh doanh taxi cùng một cửa hàng tạp hóa trị giá 300 triệu đồng do vợ quản lý. Khi giải quyết ly hôn và tài sản chung, tòa án phải xem xét giao cửa hàng cho người vợ, giao ôtô cho người chồng để họ tiếp tục kinh doanh, tạo thu nhập. Người chồng được nhận phần giá trị tài sản lớn hơn phải thanh toán cho vợ thêm 100 triệu đồng.
- Thông tư cho phép thẩm phán dựa vào“Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”: là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.Trong đó, việc ngoại tình dẫn tới ly hôn được xem là một bất lợi trong việc phân chia tài sản.Ví dụ: Nếu người chồng có hành vi bạo lực gia đình, ngoại tìnhhoặc phá tán tài sản thì tòa án phải xem xét yếu tố "lỗi" này của người chồng khi chia tài sản chung để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên; trong trường hợp này nếu có bằng chứng về việc người chồng ngoại tình, không chung thủy thì khi giải quyết, xét xử vụ án, Hội đồng xét xử sẽ xem xét yếu tố lỗi của người chồng dẫn đến việc ly hôn để chia tài sản theo tỷ lệ có lợi hơn cho người vợ.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, Giám đốc công ty luật Newvision law nhận định: “Nếu trước đây bạo hành, ngoại tình chỉ được xem là nguyên nhân dẫn đến hôn nhân tan vỡ và là căn cứ cho ly hôn thì với thông tư mới, bạo hành, ngoại tình đã được coi là lỗi - làm căn cứ cho ly hôn và cả việc xem xét khi phân chia tài sản. Điều này thể hiện sự tiến bộ của quy định mới, giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị phản bội, bị bạo hành”.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ thêm: “Từ nay, các ông chồng/ bà vợ sẽ phải cân nhắc nếu có ý định phản bội vì sẽ ảnh hưởng lớn đến tài sản của mình khi ra tòa”. Theo LS Tuấn, hiện có không ít người đang chịu đựng cảnh vợ/ chồng mình ngang nhiên ngoại tình mà không dám ly hôn vì sợ phải thiệt thòi khi chia tài sản.
Trân trọng!
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

LIÊN HỆ VỚI LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN TUẤN
Địa chỉ: Số 9,Ngách 6A ,Ngõ 6 ,Đường Phạm Văn Đồng ,Q.Cầu Giấy,TP.Hà Nội.
Điện thoại: 04.6682.7986 / 6682.8986
Hotline 24/7 : 0985 928 544 - 0918368772 ( Luật sư Nguyễn Văn Tuấn )
Email: hanoi@newvisionlaw.com.vn