Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Luật TGS nhận được lời đề nghị từ phía báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi giao lưu trực tuyến và giải đáp thắc mắc từ phía độc giả liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em trong những vụ án xâm hại tình dục.
Bạn đọc Nguyễn Minh Tuấn – Cao Bằng hỏi: Khi phát hiện con em mình bị xâm hại, chúng tôi phải làm gì để thu thập chứng cứ, nộp cho cơ quan điều tra?

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Luật TGS tư vấn như sau
Phải hiểu rõ trong thời gian trường quản lý trẻ, mọi vấn đề xảy ra thì trường là đối tượng phải chịu trách nhiệm. Khi đón con, phải kiểm tra tại chỗ, đừng mang con về rồi mới phát hiện, nhà trường sẽ đổ thừa sự việc xảy ra ngoài trường. Khi đến đón trẻ, nếu thấy dấu hiệu bất ổn, phải yêu cầu nhà trường, mời công an đến lập biên bản ghi nhận hiện trạng, rồi yêu cầu giám định pháp y.
Trước hết, phụ huynh nên nhắc nhở con mình đừng đi đến chỗ vắng, đừng đi đâu một mình, chơi trốn tìm xa tầm mắt người thân… Và quan trọng, phụ huynh nên ráng nắm luật, kịp thời thu thập chứng ngay từ đầu nếu nhỡ sự số xảy ra, đừng để việc đã rồi mới kêu cứu. Phải tự bảo vệ con em, thu thập chứng cứ cho mình trước.
Chứng cứ quan trọng nhất trong các vụ án hiếp dâm là dựa vào kết quả giám định. Vì kết quả giám định sẽ xác định xem tinh trùng, tinh dịch và các vết tích của người thực hiện hành vi hiếp dâm có trong âm đạo hay còn trên cơ thể của người bị hiếp dâm hay không. Đây được xem là một trong những chứng cứ quan trọng nhất để cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Theo khoa học, tinh trùng có thể sống trong tử cung người phụ nữ khoảng từ 24 giờ đến 72 giờ, sau 72 giờ thì hầu như không còn. Vậy nên trong trường hợp vụ án đã xảy ra một thời gian, không còn tìm thấy tinh trùng thì phải căn cứ vào những chứng cứ khác.
Để xem xét trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này, ngoài kết quả giám định thì cần phải dựa vào lời khai bị hại, lời khai bị can, nhân chứng, camera, thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, đối chất và các hoạt động tố tụng khác để làm sáng tỏ vụ việc. Ngoài ra, cơ quan tố tụng phải chứng minh được người thực hiện hành vi đã dùng vũ lực hay đe dọa dung vũ lực, ép buộc, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu để hiếp dâm trái với ý muốn của nạn nhân.