Luật sư_Nguyễn Văn Tuấn
Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội
Câu hỏi
Trước lúc qua đời, mẹ chồng tôi lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho chị chồng tôi (vì chị chồng tôi đã nuôi dưỡng, chăm sóc trước lúc mẹ qua đời). Mặc dù tôi có yêu cầu chị chồng tôi chia cho cậu em một phần trong số tài sản chị được hưởng vì vợ chồng tôi đang phải nuôi dưỡng, chăm sóc cậu em 18 tuổi bị tàn tật (là con trai của mẹ chồng đồng thời là em ruột của chồng tôi) nhưng chị chồng tôi không đồng ý. Xin hỏi, có thể kiện đòi chị chồng tôi phải chia cho một phần tài sản được không?
(Ứng Tường Linh – Triệu Sơn, Thanh Hóa)
Trả lời:
Chào bạn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến công ty Luật Newvision. Đối với trường hợp của bạn chúng tôi xin được đưa ra quan điểm của mình tư vấn cho bạn như sau:
Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc
Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc bao gồm: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động. Theo đó những người này “vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó”.
Tuy nhiên, quyền hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản hoặc với những người không có quyền hưởng di sản được quy định tại Điều 620 và Điều 621 – Bộ luật Dân sự năm 2015. Bao gồm:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
(Khoản 1, Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, thì cậu em chồng của bạn bị tàn tật, không có khả năng lao động sẽ được quyền hưởng một phần di sản (phần di sản được hưởng theo Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định) của mẹ chồng bạn để lại mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc mà mẹ chồng bạn đã để lại. Do vậy, nếu chị chồng của bạn được hưởng thừa kế theo di chúc không thực hiện việc trả cho người em bị tàn tật phần di sản mà người em được hưởng thì người em có quyền khởi kiện người kia ra tòa để đề nghị tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Vì cậu em chồng của bạn bị tàn tật, nhưng chưa có cơ sở xác định mất năng lực hành vi dân sự hoàn toàn hay chưa. Do đó, trước tiên, bạn cần phải đưa cậu em chồng đi giám định tại tổ chức giám định. Nếu có kết luận cậu em chồng của bạn bị mất năng lực hành vi dân sự thì bạn sẽ phải yêu cầu tòa án tuyên bố cậu em chồng của bạn mất năng lực hành vi dân sự. Sau khi có tuyên bố của tòa án, người giám hộ đương nhiên của cậu em chồng của bạn sẽ là người con cả. Tuy nhiên, người con cả ở đây (tức là chị chồng của bạn là đối tượng có liên quan trong vụ kiện) nên không đủ điều kiện làm người giám hộ. Vì vậy người giám hộ đương nhiên trong trường hợp thư bạn nói sẽ là người con tiếp theo (tức là chồng bạn – là người anh trai thứ của cậu em chồng của bạn) và người này có quyền đại diện cho cậu em chồng của bạn trong các giao dịch, tranh chấp dân sự.
Trân trọng !
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Hãy liên ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí
Phòng Tư Vấn Pháp Luật - VP Luật Newvision Law
Địa chỉ: Ngõ 6 - Phạm văn Đồng, Q.Cầu Giấy, TP. Hà Nội .
Điện thoại: 04.6682.7986 / 6682.8986
Email: hanoi@newvisionlaw.com.vn
Hỗ Trợ 24/7 : Skype : nguyendat235 & yahoo : luatsutraloi1
Hotline: 0985 928 544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn