Câu hỏi:
Ông nội tôi mất từ năm 1960, để lại một ngôi nhà mà không để lại di chúc. Hiện ngôi nhà vẫn được đăng ký sở hữu mang tên ông nội tôi (theo bản khoán điền thổ từ thời Pháp thuộc). Ông có 5 người con, hiện chỉ còn một người con gái là bà cô chúng tôi còn sống, nhưng bà không ở tại ngôi nhà này. Ngôi nhà hiện tại có hai người anh họ của tôi (cũng là cháu nội của ông) đang cư trú. Hai người anh tôi đã ở ngôi nhà đó hơn 60 năm nay, mặc dù không có văn bản “giao sử dụng” hay “cho tặng”.
Vậy nay gia tộc chúng tôi dự định phân chia tài sản chung (ngôi nhà này) cho các con, cháu của ông nội tôi thì có được không?
Lê Đình Hiếu (quận Ba Đình, Hà Nội)
Trả lời:
Chào bạn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến công ty Luật Newvision. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Ông nội của ông Hiếu mất năm 1960, tính đến nay đã là 54 năm. Từ đó, hai người anh họ của ông vẫn ở đây, thực hiện quyền nắm giữ, quản lý ngôi nhà - một loại tài sản mà pháp luật dân sự gọi là “bất động sản”. Việc hai người anh của ông Hiếu “nắm giữ, quản lý ngôi nhà” tức là họ đã thực hiện “quyền chiếm hữu” đối với bất động sản ấy. Họ không có giấy tờ có giá trị pháp lý nhưng vẫn thực hiện “quyền chiếm hữu” ngôi nhà (bất động sản) liên tục 60 năm. Pháp luật gọi hành vi ấy là “chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình” (Điều 189 Bộ Luật Dân sự).
Khoản 1 Điều 247 Bộ Luật Dân sự quy định: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu”.
Căn cứ quy định nêu trên, hai người anh họ của ông Hiếu trở thành chủ sở hữu ngôi nhà; không có căn cứ để nói đây là “tài sản chung” của gia tộc.
Trường hợp gia tộc ông Hiếu thỏa thuận với hai người chủ sở hữu mới của ngôi nhà (theo quy định tại khoản 1 Điều 247 Bộ Luật Dân sự) về việc phân ngôi nhà cho các con, cháu của người chủ sở hữu cũ, thì nhà nước không can thiệp, nếu nguyên tắc “tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận” quy định tại Điều 4 Bộ Luật Dân sự được những người liên quan tôn trọng.
Trân trọng!
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Hãy liên ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí
Phòng Sở hữu Trí Tuệ - VP Luật Newvision Law
Địa chỉ: Ngõ 6 - Phạm văn Đồng, Q.Cầu Giấy, TP. Hà Nội .
Điện thoại: 04.6682.7986 / 6682.8986
Email: hanoi@newvisionlaw.com.vn
Hỗ Trợ 24/7 : Skype : nguyendat235 & yahoo : luatsutraloi1
Hotline: 0985 928 544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn