Câu hỏi:
Chồng tôi mang quốc tịch Đức, tôi mang quốc tịch Việt Nam. Tháng 8/2008, chúng tôi đăng ký kết hôn tại Việt Nam. Vừa qua, tôi sinh con tại Việt Nam và đi làm thủ tục đăng ký khai sinh tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên giấy khai sinh của cháu, phần quê quán tôi thấy Sở Tư pháp chỉ ghi là Cộng hòa Liên bang Đức. Tôi có hỏi thì cán bộ tư pháp trả lời là con sinh ra phải ghi theo quê quán của cha. Vậy họ làm như vậy có đúng không? Nay tôi muốn nhập hộ khẩu cho cháu theo hộ khẩu của tôi thì phần quê quán trên sổ hộ khẩu tôi phải ghi thế nào cho con tôi?(Tào Thị Thúy – quận Thanh Xuân, Hà Nội)
Trả lời:
Chào bạn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến công ty Luật Newvision. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo Khoản 2, Điều 5 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 (Sau đây gọi là: “Nghị định 158”) về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định:“…2. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy Khai sinh của người đó”. Và điểm e Mục 1, Phần II Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/06/2008 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định 158 quy định: “Khi đăng ký khai sinh, họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ”. Mặt khác, theo Khoản 1, Điều 50 Nghị định 158: “Trong trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con, thì phải có giấy thỏa thuận của cha và mẹ về việc chọn quốc tịch. Giấy thỏa thuận về việc chọn quốc tịch phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước mà người nước ngoài là công dân về việc chọn quốc tịch cho con là phù hợp với pháp luật của nước đó”.
Do đó việc cán bộ Sở Tư pháp ghi quê quán con bạn là Cộng hòa Liên bang Đức hoàn toàn chưa có căn cứ pháp lý nếu giữa bạn và chồng bạn chưa có Giấy thỏa thuận việc chọn quốc tịch cho con và xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Cộng hòa Liên bang Đức.
Tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định 107/2007/NĐ-CP ngày 25/06/2007 (Sau đây gọi là: “Nghị định 107”) hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cư trú năm 2006 quy định: “…3. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ em đó”. Điều 8 Nghị định 107 quy định: “Người nào vi phạm quy định của pháp luật cư trú thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Do vậy, nếu bạn không đăng ký thường trú cho con của bạn theo đúng thời hạn quy định trên thì sẽ bị phạt vi phạm hành chính.
Giấy khai sinh là một trong những giấy tờ có giá trị chứng minh mối quan hệ mẹ con (tức giữa bạn và con bạn). Trên giấy khai sinh của con bạn ghi quê quán là Cộng hòa Liên bang Đức, do đó cơ quan công an sẽ căn cứ vào Giấy khai sinh của con để ghi phần quê quán vào Sổ hộ khẩu của bạn: “Trẻ em khi đăng ký thường trú phải có giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao có công chứng hoặc chứng thực)” (Điểm 1 Mục II Thông tư số 06/2007/TT-BCA-C11 ngày 01 tháng 07 năm 2007 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật cư trú và Nghị định 107).
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Công ty Luật Newvision
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Hãy liên ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí
Phòng Sở hữu Trí Tuệ - VP Luật Newvision Law
Địa chỉ: Ngõ 6 - Phạm văn Đồng, Q.Cầu Giấy, TP. Hà Nội .
Điện thoại: 04.6682.7986 / 6682.8986
Email: hanoi@newvisionlaw.com.vn
Hỗ Trợ 24/7 : Skype : nguyendat235 & yahoo : luatsutraloi1
Hotline: 0985 928 544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn