Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 với nhiều quy định mới về quá trình tố tụng dân sự. Một trong những điểm mới tiêu biểu là việc quy định về việc Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng, cụ thể tại khoản 2 Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự quy định như sau:
“Điều 4. Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.
Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật dân sự và Bộ luật này quy định.”
Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều tranh cãi bên cạnh điều luật này.
Rất nhiều người không đồng ý với quy định này vì những lý do sau:
Thứ nhất, việc quy định như vậy sẽ dẫn đến tình trạng người dân tùy tiện khởi kiện, hoặc một số người lợi dụng quy định này khởi kiện hoặc lôi kéo, kích động một số người nhẹ dạ để gây mất trật tự, bất ổn cho xã hội.
Thứ hai, việc quy định như vậy sẽ tạo điều kiện để Toà án tùy tiện trong xét xử, gây nên tình trạng bất nhất trong việc xét xử đối với những vụ việc có nội dung tương tự.
Thứ ba, việc quy định như vậy là trái với quy định Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã được ghi nhận trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
.jpg)
(Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự)
Theo quan điểm của tôi, mặc dù sẽ vẫn có những khúc mắc khi quy định như vậy, song không thể phủ nhận ý nghĩa của việc mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án. Tôi xin đưa ra 6 lý do như sau:
Thứ nhất, cần phải hiểu pháp luật được ra đời từ thực tiễn, co con người tạo ra và được tổng kết từ thực tiễn. Vì vậy, pháp luật luôn lạc hậu hơn thực tiễn đời sống. Ngoài ra, pháp luật cũng không thể dự liệu hết tất cả các trường hợp xảy ra trong cuộc sống. Việc tuân thủ pháp luật là cần thiết, nhưng với những trường hợp chưa có điều luật điều chỉnh, thì cũng cần linh hoạt trong việc xét xử.
Thứ hai, không phải đến nay vấn đề xét xử khi không có luật mới được đặt ra. Thực tế điều luật này chỉ là sự cụ thể hóa của Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về việc có thể áp dụng tập quán, quy định tương tự của pháp luật và tuân theo các nguyên tắc bình đẳng, công bằng, trung thực, thiện chí… để giải quyết tranh chấp khi không có quy định cụ thể của luật.
Thứ ba, việc mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng của mình theo quy định của Hiến pháp năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân là “cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (khoản 1 Điều 102). Đồng thời đây cũng là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta.
Thứ tư, đây là quy định về việc tòa án không từ chối trong trường hợp không có điều luật, chứ không phải là không có pháp luật. Việc xét xử vẫn phải tuân theo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán pháp hay quy định tương tự của pháp luật, chứ không phải xét xử một cách tùy tiện.
Thứ năm, quy định này góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Thực tế các Tòa án vì nhiều lý do khác nhau thường từ chối giải quyết cho an toàn, hoặc chờ xin ý kiến của Tòa án tối cao, việc này đã gây thiệt hại và gây bức xúc cho người dân. Vì vậy, việc mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân. Đây là căn cứ để Tòa án nhận đơn, thụ lý vụ việc, tiến hành giải quyết những tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội mà pháp luật chưa thể dự liệu.
Thứ sáu, quy định này góp phần đảm bảo trật tự, an ninh xã hội. Thông thường khi các bên tranh chấp không thể thỏa thuận về một việc, họ mới tìm đến Tòa án như một phương án giải quyết cuối cùng. Tuy nhiên khi tòa án từ chối việc giải quyết do không có điều luật điều chỉnh, khiến các bên buộc phải tự giải quyết với nhau. Điều này không tránh khỏi những hệ lụy như “cá lớn nuốt cá bé”, tùy tiện xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của các bên, cũng như của bên thứ ba và đồng thời xâm hại đến an ninh quốc gia, an toàn xã hội.
Thứ bảy, quy định này góp phần mở đường cho việc hình thành án lệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc xét xử, từ đó hình thành nên những quy định pháp luật mới, rút ngắn khoảng cách giữa sự hạn chế của quy định pháp luật và sự đa dạng, phong phú của các quan hệ xã hội.
Trao đổi với các bạn đọc giả về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc công luật Newvisionlaw , thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội có chia sẻ thêm: Việc quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng là một quy định tiến bộ, phù hợp với thời đại, nhưng cũng cần thận trọng trong việc triển khai để tránh rủi ro. Đi cùng với quy định này, pháp luật nên quy định cụ thể những trường hợp khởi kiện có khả năng gây ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia thì Tòa án có quyền từ chối thụ lý, tránh tình trạng các thế lực thù địch chống phá Nhà nước lợi dụng quy định này khởi kiện hoặc lôi kéo, kích động một số người nhẹ dạ gây mất trật tự, bất ổn cho xã hội. Thêm nữa, để tránh tình trạng người dân tùy tiện khởi kiện, cần quy định chặt chẽ quyền khởi kiện phải đi đôi với nghĩa vụ chứng minh, phải cung cấp đầy đủ chứng cứ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình và cần phải xây dựng chế tài vật chất kèm theo để buộc đương sự phải chịu án phí trong trường hợp Tòa bác đơn kiện. Đối với thẩm phán, để tránh tình trạng xét xử tùy tiện, cũng cần có các chế tài nghiêm minh khi thẩm phán cố tình ra phán quyết trái luật. Ngoài ra, Nhà nước không những cần phải có sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất mà đặc biệt phải bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ thẩm phán và hội thẩm nhân nhân dân để đảm bảo ý nghĩa của quy định pháp luật này.
Có thể thấy, quy định mới này là một bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta. Tuy đây không phải là quy định mới, nhưng việc quy định cụ thể mới được thể hiện trong thời gian gần đây, vì vậy vẫn cần nghiên cứu hết sức thận trọng để bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Trân trọng!
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Hãy liên ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí
Phòng Tư Vấn Pháp Luật - VP Luật Newvision Law
Địa chỉ: Ngõ 6 - Phạm văn Đồng, Q.Cầu Giấy, TP. Hà Nội .
Điện thoại: 04.6682.7986 / 6682.8986
Email: hanoi@newvisionlaw.com.vn
Hỗ Trợ 24/7 : Skype : nguyendat235 & yahoo : luatsutraloi1
Hotline: 0985 928 544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn