Quy định tử tù được phép kết hôn hay không đang có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, cho phép kết hôn là nhân đạo. Nhưng cũng không ít ý kiến phản đối, cho rằng điều đó dẫn đến các hệ lụy xã hội. Phóng viên của Kiemsat.vn đã trao đổi với chuyên gia pháp luật - Luật sư Nguyễn Văn Tuấn(Giám đốc điều hành công ty Luật Newvision Law) về vấn đề này.

Quyền kết hôn:
Tại Điều 36 - Hiến pháp nước Việt Nam năm 2013 nêu rõ: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn”. Như vậy, việc kết hôn; ly hôn,... là quyền con người, quyền cơ bản của công dân, cần được tôn trọng và bảo vệ.
Trên tinh thần Hiến định đó, pháp luật dân sự cũng như pháp luật chuyên ngành là Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam hiện nay không có quy định cấm việc người đang lĩnh án tù giam hay người bị kết án tử hình được kết hôn.
Thực tiễn quá trình người bị kết án tử hình chờ thi hành án, họ và thân nhân đề nghị được đăng ký kết hôn, lấy tinh trùng của người bị kết án tử hình để lưu giữ tại cơ sở y tế nhằm mục đích duy trì nòi giống, mục đích nhân đạo... Đây là những yêu cầu chính đáng về quyền con người đã được Hiến định.
Trường hợp người đang chấp hành án phạt tù theo luật có được kết hôn hay không, theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Công ty Luật NewVision thì người đang chấp hành hình phạt tù thì một số quyền công dân sẽ bị hạn chế như: không được quyền ứng cử, quyền bầu cử đại biểu vào cơ quan quyền lực Nhà nước, không được quyền tham gia thành lập doanh nghiệp… Tuy nhiên, pháp luật hình sự cũng như pháp luật chuyên ngành khác không có quy định về việc tước quyền kết hôn của người đang phải chấp hành hình phạt tù. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 tại Điều 5 có những quy định về trường hợp bị cấm kết hôn song việc kết hôn khi đang chấp hành hình phạt tù thì lại không thuộc các trường hợp bị cấm kết hôn trong điều này. Vì vậy, về nguyên tắc, người đang phải chấp hành hình phạt tù không bị cấm kết hôn.
Ở Việt Nam, các quyền như kết hôn, ly hôn pháp luật không cấm thì đương nhiên được phép làm. Tuy nhiên, do luật pháp chưa quy định cụ thể nên thành ra không thực thi được trên thực tế. Do đó, nhiều người sẽ thấy lạ lẫm và bất thường. Chúng ta cần đề ra hành lang pháp lý, đảm bảo cho việc thực hiện các quyền công dân nói trên được đi vào đời sống, vừa đảm bảo tính khả thi của pháp luật, vừa bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của con người. Với các quy định mới, chúng ta sẽ có thêm các quy định cụ thể hơn để có được các trình tự thủ tục cho phạm nhân kết hôn, ly hôn thuận lợi chẳng hạn sẽ đảm bảo các quyền của họ được thực thi trên thực tế.
Thực tiễn thực hiện quyền kết hôn của công dân và tinh thần nhân đạo của Pháp luật Việt Nam
Theo quy định tại Điều 18 của Luật Hộ tịch năm 2014 hiện hành quy định về thủ tục đăng ký kết hôn như sau:
“Điều 18. Thủ tục đăng ký kết hôn
1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.”
Việc đăng ký kết hôn là giao dịch không thể ủy quyền mà bắt buộc cả 2 bên phải có mặt để đăng ký kết hôn. Nhưng một bên đang chấp hành hình phạt tù do đó phải chịu sự quản lý cũng như một số quy định về việc chấp hành hình phạt tù. Nên không thể có mặt để đăng ký kết hôn. Mặc dù luật không tước quyền kết hôn của những người đang chấp hành hình phạt tù nhưng với những quy định bắt buộc về thủ tục đăng ký kết hôn thì rất khó để họ có thể thực hiện được việc kết hôn của mình. Trên thực tế, theo Bộ Công An, hiện nay chưa có quy định cho phép trích xuất người đang lĩnh án tù giam ra ngoài để làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Tuy nhiên, không có gì quá khó khăn trong câu chuyện quản lý nhà nước khi công nhận các quyền cơ bản của công dân, mặc dù họ là những người đang chấp hành hình phạt do các hành vi tội phạm. Nếu không cho họ quyền kết hôn thì rất nhiều phạm nhân hiện nay cũng đang có vợ, có chồng và họ cũng đang ở trong các cuộc hôn nhân của mình. Họ bị giam giữ, bị tử hình thì sau đó các quyền về tài sản, vấn đề thừa kế đều được pháp luật dự liệu và có quy định cách thức xử lý nên vấn đề kết hôn cũng có khả năng giải quyết được.
Việc đảm bảo quyền kết hôn của công dân nói chung và người chấp hành hình phạt tù nói riêng sẽ thể hiện tinh thần nhân văn, tính nhân đạo của Nhà nước và Pháp luật Việt Nam. Pháp luật sẽ chỉ được coi trọng và thực thi khi các quy định pháp luật phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, đạo đức và lòng người. Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền như ở Việt Nam hiện nay, quyền con người cần được nêu rõ và đảm bảo thực thi một cách tối đa nhất.
Tôi hoàn toàn ủng hộ các quy định có tính nhân văn, bảo vệ con người và mong muốn ngày càng có nhiều hơn các quy định tiến bộ như vậy. Thay đổi về quy định cũng như đề ra các phương án thực thi, đưa pháp luật đi vào thực tiễn nói trên đối với tử tù tại Việt Nam là việc làm cần thiết và thể hiện sự tiến bộ của pháp luật./.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Tư vấn New Vision
Trân trọng !
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Hãy liên ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí
Phòng Tư Vấn Pháp Luật - VP Luật Newvision Law
Địa chỉ: Ngõ 6 - Phạm văn Đồng, Q.Cầu Giấy, TP. Hà Nội .
Điện thoại: 04.6682.7986 / 6682.8986
Email: hanoi@newvisionlaw.com.vn
Hỗ Trợ 24/7 : Skype : nguyendat235 & yahoo : luatsutraloi1
Hotline: 0985 928 544 - Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn