Quy định của BLTTHS năm 2015 về xử lý vật chứng – Một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện

Rate this post

So với các quy định của pháp luật tố tụng hình sự trước đó, Bộ luật Tố tụng hình (BLTTHS) năm 2015 đã có những quy định đầy đủ và hoàn thiện hơn về vật chứng và xử lý vật chứng (XLVC). Nhất là quy định về XLVC đã có bước tiến mới, đó là đã cơ bản bao quát được các trường hợp vật chứng cần xử lý, tạo thuận lợi cho việc nhận thức và áp dụng pháp luật trong tố tụng hình sự.

Một số bất cập trong thực tiễn

1.1. Bất cập trong quy định về thẩm quyền XLVC khi vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử

Khoản 1 Điều 106 quy định “Việc XLVC do… Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử”. Với quy định này, khi vụ án đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử thì chỉ có Chánh án Tòa án mới có thẩm quyền quyết định XLVC. Quy định này không thống nhất với quy định Phó Chánh án Tòa án có thẩm quyền XLVC khi vụ án đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử trong trường hợp được Chánh án Tòa án ủy quyền (khoản 1 Điều 44 BLTTHS năm 2015) hoặc khi được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án hình sự (khoản 3 Điều 44 BLTTHS năm 2015) [2].

1.2. Bất cập trong quy định về thẩm quyền XLVC của Hội đồng xét xử, dẫn đến thực tế còn có cách hiểu khác nhau về vấn đề này

Khoản 1 Điều 106 quy định “Việc XLVC… do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử”. Với quy định này, có hai quan điểm khác nhau.

  • Quan điểm thứ nhất cho rằng: Từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, việc XLVC do Hội đồng xét xử quyết định. Vì điều luật quy định nếu vụ án đã đưa ra xét xử, thì do Hội đồng xét xử quyết định.

  • Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả) cho rằng: Từ khi Tòa án thụ lý vụ án đến trước khi mở phiên tòa, việc XLVC do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án quyết định; Hội đồng xét xử chỉ có thẩm quyền XLVC khi Tòa án đã mở phiên tòa (đã khai mạc phiên tòa), đến khi kết thúc phiên tòa. Vì điều luật quy định nếu vụ án đã đưa ra xét xử, tức là Tòa án đã mở phiên tòa; mặt khác theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết vụ án của Hội đồng xét xử chỉ có trong thời gian Tòa án mở phiên tòa.

1.3. Cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 theo hướng cụ thể, khoa học hơn để thuận tiện trong việc áp dụng thống nhất pháp luật.

  • Điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 quy định “Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy”.

Quy định trên cần phải hiểu: Những vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thuộc trường hợp bị tịch thu mà có giá trị thì nộp ngân sách nhà nước, không có giá trị thì tịch thu tiêu hủy. Do điều luật quy định chưa chặt chẽ, cụ thể trường hợp nào phải tịch thu sung ngân sách nhà nước và trường hợp nào tịch thu tiêu hủy, dẫn đến có nhận thức đây là quy phạm tùy nghi, làm cho việc áp dụng pháp luật không thống nhất.

Mặt khác, điểm c khoản 2 Điều 106 quy định “Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu, tiêu hủy”, đã bao quát hết các trường hợp vật chứng bị tịch thu, tiêu hủy. Do đó, điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS không cần thiết phải quy định vấn đề tịch thu tiêu hủy để đảm bảo tính khoa học, logic, không trùng lặp.

  • Điểm b khoản 2 Điều 106 quy định “Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà cóthì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước”. Nhưng Điều 89 BLTTHS lại quy định “Vật chứng là… tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.

Trong khi đó, điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015 [3] quy định về biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm cũng chỉ dùng từ “tiền”. Như vậy, các quy định trên về vật chứng là “tiền” và “tiền bạc” không thống nhất, gây khó khăn trong việc nhận thức và áp dụng pháp pháp luật về XLVC.

1.4. Vướng mắc, bất cập trong quy định tại khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015

  • Điểm a khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 quy định:“Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó”.

Tuy nhiên, trên thực tiễn có những vật chứng là tài sản của người khác, nhưng không xác định được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Điều 106 BLTTHS năm 2015 không có quy định XLVC thuộc trường hợp này, cho nên các cơ quan, người tiến hành tố tụng còn lúng túng, vướng mắc trong việc xử lý.

  • Điểm d khoản 3 Điều 106 năm 2015 quy định “Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”.

Đối với động vật hoang dã: Có nhiều loài, có loài thuộc Danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm II theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã nguy cấp [4]; có loài không thuộc loại trên. Theo tác giả, chỉ những động vật thuộc loại nguy cấp, quý, hiếm mới cần xử lý theo quy định ngoại lệ này.

Đối với thực vật ngoại lai: Thông tư 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ Tài nguyên và môi trường [5] quy định Danh mục loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại, gồm rất nhiều loài thuộc các nhóm: vi sinh vật, động vật không xương sống, cá, lưỡng cư – bò sát, chim – thú, thực vật. Đây là những loài nguy hại hoặc có nguy cơ gây nguy hại cho môi trường; chúng có tiêu chí xác định chung là có nguy cơ xâm hại cao đối với đa dạng sinh học của Việt Nam. Các loài ngoại lai xâm hại nói chung và thực vật ngoại lai xâm hại nói riêng đều cần có cơ quan chuyên ngành để xử lý ngay, tránh ảnh hưởng đối với con người và môi trường xung quanh. Nhưng điều luật chỉ quy định xử lý đối với thực vật ngoại lai là chưa hợp lý.

1.5. Vướng mắc trong quy định tại khoản 4 Điều 106 BLTTHS năm 2015

Khoản 4 Điều 106 BLTTHS năm 2015 quy định “Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”. Thực tiễn áp dụng quy định này, có 02 quan điểm khác nhau. Cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Khi có tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản là vật chứng của vụ án thì Tòa án phải tạm đình chỉ vụ án, để chờ kết quả giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả) cho rằng: Tòa án vẫn tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Riêng đối với vật chứng có tranh chấp về quyền sở hữu nếu thuộc trường hợp trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì trả lại và tranh chấp về vật chứng sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự; nếu vật chứng thuộc trường hợp bị tịch thu thì quyết định xử lý sau khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu đối với vật chứng. Tuy nhiên, cần bổ sung thẩm quyền của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án để xử lý trường hợp này.

Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật

Một là, cần bổ sung theo hướng Phó Chánh án Tòa án cũng là chủ thể có thẩm quyền quyết định XLVC nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử (giống quy định thẩm quyền bắt bị can, bị cáo để tạm giam tại Điều 113 BLTTHS). Đồng thời bổ sung quy định, việc XLVC tại phiên tòa do HĐXX quyết định.

Hai là, cần bỏ từ “bạc” quy định tại Điều 106 để thống nhất với quy định tại Điều 89 BLTTHS năm 2015 [6] và Điều 47 BLHS.

Ba là, cần bổ sung quy định tại điểm a khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 như sau: “Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; nếu không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp và tài sản có giá trị thì tịch thu, sung ngân sách nhà nước.

Bốn là, điểm d khoản 3 Điều 106 nên quy định như sau: Vật chứng là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và loài ngoại lai xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Mặt khác hiện nay BLTTHS năm 2015 cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác cũng chưa quy định cơ quan nào có thẩm quyền xử lý đối với thực vật ngoại lai, dẫn đến khó khăn cho cơ quan tố tụng trong XLVC này.

Năm là, cần sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 106 BLTTHS năm 2015 như sau: “Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng; nếu vật chứng không thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu vật chứng thuộc trường hợp bị tịch thu thì người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật này quyết định xử lý sau khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu đối với vật chứng”.

Từ những phân tích trên, tác giả đề xuất cần sửa đổi, bổ sung Điều 106 BLTTHS năm 2015 như sau:

“Điều 106. Xử lý vật chứng

  1. Việc XLVC do Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử;tại phiên tòa do HĐXX quyết định. Việc thi hành quyết định về XLVC phải được ghi vào biên bản.

  2. Vật chứng được xử lý như sau:
    a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
    b) Vật chứng là tiền hoặc tài sản do phạm tội mà cóthì tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
    c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì tịch thu và tiêu hủy.

  3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm:
    a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; nếu không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp và tài sản có giá trị thì tịch thu, sung ngân sách nhà nước.
    b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;
    c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản nếu có giá trị thì bán theo quy định của pháp luật, nếu không có giá trị thì tiêu hủy.
    d) Vật chứng là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và loài ngoại lai xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”.

  4. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng; nếu vật chứng không thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu vật chứng thuộc trường hợp bị tịch thu thì người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật này quyết định xử lý sau khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu đối với vật chứng”.

Thái Nguyên tổ chức tiêu hủy vật chứng là vật liệu nổ thu giữ được trong các vụ án đã được Tòa án tuyên tịch thu tiêu hủy – Ảnh: Hải Hằng

[1] Điều 106 BLTTHS năm 2015

  1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

  2. Vật chứng được xử lý như sau:
    a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
    b) Vật chứng là tiền hoặc tài sản do phạm tội mà cóthì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
    c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

  3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm:
    a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;
    b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;
    c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản nếu có giá trị thì bán theo quy định của pháp luật, nếu không có giá trị thì tiêu hủy;
    d) Vật chứng là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và loài ngoại lai xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

  4. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng; nếu vật chứng không thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu vật chứng thuộc trường hợp bị tịch thu thì người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật này quyết định xử lý sau khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu đối với vật chứng”.

DƯƠNG VĂN HƯNG (Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân)

Related Posts

Thực đơn: Những điều cần biết về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Có thể bạn quan tâm Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông Thủ tục đăng ký khai tử năm…

Các trường hợp tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra hình sự

Có những trường hợp mà cơ quan điều tra sẽ ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra hình sự. Hãy cùng tìm hiểu…

Vướng mắc khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 điều 51 BLHS

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vấn đề vướng mắc khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo…

Cần có hướng dẫn cụ thể về áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự

Quý vị luật sư có biết rằng khi xét xử vụ án đánh bạc tại một quán vịt cỏ ở thành phố Y, tỉnh V vào ngày…

Tìm hiểu về Biện pháp khiển trách theo Điều 93 BLHS năm 2015 (sửa đổi và bổ sung năm 2017)

Đầu tiên, chúng ta cùng tìm hiểu về biện pháp khiển trách và cách nó được áp dụng đối với những người dưới 18 tuổi phạm tội….

Phần mềm hợp đồng điện tử iContract – Sự tin dùng của nhiều DN FDI

Nghị định 125/2020/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2020 đã đặt ra quy định mới về mức phạt chậm nộp thuế TNCN (thu nhập cá nhân) và tăng tiền…